Đại diện một nhà mạng lớn cho biết, quá trình này nhiều khả năng chưa dừng lại: “Năm 2014, cước 3G có thể điều chỉnh một lần nữa, bởi mức hiện tại mới chỉ tiệm cận giá thành”. Theo lý giải của nhà mạng này, mặc dù giá cước đã được điều chỉnh họ vẫn phải chịu lỗ.
“Bộ Thông tin và Truyền thông cũng quy định doanh nghiệp có thị phần khống chế không được bán sản phẩm, dịch vụ dưới giá thành”, đại diện này nêu lý do. Tuy vậy, nhà mạng nhấn mạnh đây chỉ là “có khả năng”, còn tình hình thực tế ra sao vẫn phải xem xét rất nhiều yếu tố khác.
Một doanh nghiệp khác cũng khẳng định, sẽ không có thêm đợt tăng hay giảm giá 3G nào khác trong năm 2013, còn sang năm thì chưa dám có kết luận gì. Trong khi đó, một số chuyên gia viễn thông cho rằng việc tăng giá trong năm tới rất dễ xảy ra bởi không doanh nghiệp nào muốn kéo dài thời gian chịu lỗ ban đầu mà đều mong muốn hoàn vốn để tái đầu tư.
Kể từ khi nhà mạng bắt đầu kinh doanh dịch vụ Internet di động tốc độ cao (3G) vào tháng 10/2009, giá cước dịch vụ thường đi xuống do áp lực cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp với nhau. Cuộc đua đã đẩy giá 3G Việt Nam xuống thấp khi đem so với khu vực ASEAN và trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho lượng thuê bao phát triển nhanh chóng.
Đổi lại, chất lượng mạng có dấu hiệu đi xuống theo thời gian, thể hiện rõ qua thái độ và sự trung thành của người dùng đối với nhà cung cấp và dịch vụ. Theo khảo sát của Nielsen, chỉ 55% khách hàng hài lòng với tốc độ đường truyền, yếu tố được đánh giá là quan trọng nhất khi sử dụng dịch vụ internet di động, số còn lại không hài lòng hoặc rất không hài lòng. Không chỉ áp lực từ phía khách hàng, các nhà mạng đang phải gánh nỗi lo làm sao để không lỗ khi chi phí đầu tư và vận hành, bảo trì không ngừng tăng.
Tháng 4/2013, hai nhà mạng Mobifone và Vinaphone đã có điều chỉnh tăng đầu tiên sau nhiều năm giảm giá. Đến ngày 16/10, cả 3 doanh nghiệp (thêm Viettel) đồng thời có những thay đổi về gói cước trung bình là 20%, trong đó được quan tâm nhiều nhất là gói không giới hạn vốn 50.000 đồng nay tăng lên 70.000 đồng (40%). Quyết định này nhận được sự phản ứng khá gay gắt từ các thuê bao và không ít người tuyên bố sẽ cắt dịch vụ ngay lập tức.
Theo lý giải của đại diện Viettel, từ 50.000 đồng cho 500MB dữ liệu ở tốc độ tối đa lên 70.000 đồng cho 600 MB, thực chất giá trị gói chỉ tăng thêm 16%. Còn Mobifone phân trần: “2 năm trước chúng tôi là đơn vị đầu tiên đưa ra gói không giới hạn với giá 60.000 đồng một tháng (500MB tốc độ tối đa), nay điều chỉnh mới, thực chất là rẻ hơn so với trước”. Đại diện Cục Viễn thông cũng cho biết cơ quan không có quy định nào buộc nhà mạng phải tăng 20% mà đó chỉ là con số thống kê trung bình.
Trước đây, các nhà mạng đã phải cam kết rất nhiều mới được cấp giấy phép triển khai dịch vụ 3G tại Việt Nam. Sau 4 năm hoạt động, doanh nghiệp đã đầu tư lớn hơn cam kết tới 4 – 5 lần. Tính riêng số trạm phát sóng, Viettel có khoảng 24.000 trạm, Mobifone và Vinaphone cũng từ 20.000 đến 30.000 trạm khác nhau. Toàn bộ thiết bị đều phải nhập từ nước ngoài về, chi phí này chiếm tỷ trọng trên 80% giá thành, còn giá cước (sau điều chỉnh) chỉ chiếm 39,6% so với ASEAN.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến “Vì sao tăng cước 3G” sáng ngày 17/10, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông nói: “Với giá cước mới thì doanh nghiệp điều chỉnh là việc cần làm. Trường hợp không có biến động lớn thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ thực hiện theo lộ trình đã đăng ký với Bộ để đảm bảo giá cước không thấp hơn giá thành, giúp thị trường phát triển bền vững, tránh đổ vỡ”.
Ông Trung cũng chia sẻ thêm cơ quan quản lý đang xây dựng tiêu chuẩn xét chất lượng 3G mới trên cơ sở ý kiến khách hàng, trong đó có quy định về tốc độ truy cập và vùng phủ sóng. Còn hiện tại, qua các đợt kiểm tra thường kỳ thì chất lượng dịch vụ của nhà mạng vẫn đáp ứng được các yêu cầu mà Bộ đặt ra.